Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII – Quốc hội báo cáo về việc phê chuẩn 2 Công ước của Liên hợp quốc

YBĐT – Ngày 23/10, Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII tiếp tục chương trình làm việc tại Hội trường nghe trình bày về Tờ trình phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật; Tờ trình phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người và Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo Tờ trình về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trình bày nêu rõ: Công ước của Liên hợp quốc về Quyền của người khuyết tật được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 13/12/2006, là Công ước quốc tế toàn diện nhất về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khuyết tật. Việt Nam đã ký Công ước Quyền của người khuyết tật vào ngày 22/10/2007. Việc phê chuẩn Công ước này là bước hoàn thành thủ tục để Việt Nam trở thành thành viên Công ước.

Công ước Quyền của người khuyết tật là một điều ước quốc tế về nhân quyền. Công ước xác định các quyền của người khuyết tật và nghĩa vụ của các quốc gia tham gia Công ước nhằm bảo vệ và đẩy mạnh các quyền này. Việc phê chuẩn Công ước vào thời điểm hiện nay của Nhà nước ta là rất quan trọng, nhằm thực hiện đúng cam kết của quốc gia, tạo cơ sở cho việc tăng cường đối thoại về nhân quyền và trao đổi với các nước, các tổ chức quốc tế về nhân quyền. Việc phê chuẩn Công ước Quyền của người khuyết tật sẽ là một cam kết chính trị mạnh mẽ của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển vì lợi ích dành cho người khuyết tật. Đây cũng là một trong những căn cứ pháp lý để Việt Nam khẳng định quan điểm của mình đối với thế giới trong lĩnh vực người khuyết tật nói riêng và nhân quyền nói chung, có ý nghĩa quan trọng khi Việt Nam đã trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014 – 2016.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng: Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật là điều ước Quốc tế về quyền con người, do đó căn cứ quy định tại khoản 14 Điều 70 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam sửa đổi năm 2013, Chủ tịch nước trân trọng đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định phê chuẩn Công ước.

Sau phần trình bày của Chủ tịch nước, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền đã trình bày Báo cáo một số vấn đề về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Trần Văn Hằng trình bày Báo cáo thẩm tra về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật.

Tại phiên họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đã trình bày Tờ trình về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người. Bộ trưởng Bộ công an Trần Đại Quang, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo một số vấn đề về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người.

Báo cáo thẩm tra về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người do Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Trần Văn Hằng trình bày nêu rõ: Ủy ban Đối ngoại nhất trí về sự cần thiết phê chuẩn Công ước chống tra tấn vào thời điểm hiện nay. Việc phê chuẩn Công ước phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước ta nhằm đảm bảo ngày càng tốt hơn các quyền con người cơ bản ở Việt Nam, góp phần vào việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Cũng trong phiên làm việc, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và thảo luận tại Hội trường về dự thảo của Luật này.

Thảo luận về Dự thảo Luật Bảo hiểm Xã hội sửa đổi, các đại biểu Quốc hội đề nghị Luật cần được xây dựng theo hướng quy định chặt chẽ để tránh tình trạng nợ bảo hiểm kéo dài, gây thất thu quỹ, ảnh hưởng đến việc bảo đảm an sinh xã hội, ảnh hưởng tới đời sống của người hưu trí, người tham gia bảo hiểm. Đa số ý kiến đề nghị cần quy định chế tài chặt chẽ đảm bảo xử lý nghiêm các hành vi trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội để khắc phục tình trạng trốn đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội hiện nay. Đồng thời cần có quy định rõ ràng để giải quyết quyền lợi cho người lao động khi doanh nghiệp nợ, chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội và không còn tài sản để giải quyết quyền lợi bảo hiểm xã hội của người lao động.

Nguồn: Báo Yên Bái

 

Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII
Khai mạc Đại hội TDTT tỉnh Yên Bái lần thứ VII năm 2014
Di chúc Hồ Chí Minh và những ảnh hưởng tầm cỡ Quốc tế
TQ sẽ mở tiếp tour du lịch trái phép tới Hoàng Sa
Tinh thần di chúc của Bác Hồ – Nhân dân là trên hết
Yên Bái Hội nghị cán bộ chủ chốt toàn tỉnh rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ
TQ ngang nhiên tính đưa ‘nhà máy cá’ ra Trường Sa
Trung Quốc công khai hình ảnh khách du lịch ra Hoàng Sa
UBND tỉnh Yên Bái Triển khai nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm
TQ xây đảo nhân tạo ở Biển Đông, VN nói gì?