Hoạt động công tố của nhà nước ta giai đoạn 1945 – 1960

Sau Cách mạng Tháng 8/1945, hoạt động công tố của nhà nước ta gắn liền với thực hiện nhiệm vụ chính trị, bảo vệ thành quả cách mạng, trông coi việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực tư pháp, làm nền tảng cho sự hình thành của VKSND.

Đồng chí Hoàng Quốc Việt, Viện trưởng VKSND tối cao

tham dự Hội nghị học tập Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, tiến hành tháng 8-1960. (Ảnh: tư liệu)

Bối cảnh lịch sử, đặc điểm tình hình

Sau Cách mạng Tháng 8/1945, ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Đây là văn kiện pháp lý quan trọng, đánh dấu một mốc lịch sử mới trong trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam, là cơ sở của hàng loạt thiết chế của một Nhà nước mới được thiết lập.

Trong thời kỳ này có thể kế đến một số dấu mốc quan trọng: Tháng 12/1946 toàn dân thực hiện cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp; Sau chiến dịch Thu – Đông 1950, chính quyền cách mạng đã dành thế chủ động, thực dân Pháp chuyển sang thực hiện âm mưu “dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh” với những âm mưu rất thâm độc; Tháng 2/1951, Đại hội Đảng lần II tại Chiêm Hóa, Tuyên Quang xác định nhiệm vụ trước mắt của Cách mạng là đánh đuổi Pháp và phong kiến tay sai dành độc lập dân tộc, ruộng đất cho nông dân, hoàn thành cách mạng DTDC tiến lên cách mạng XHCN; Đầu năm 1953, Đảng ta chủ trương phát động nông dân đấu tranh thực hiện giảm tô, cải cách ruộng đất; Tháng 7/1954 Pháp ký Hiệp định Giơnevơ thừa nhận quyền độc lập, toàn vẹn lãnh thổ của các nước Đông Dương; Ngày 10/10/1954 giải phóng Thủ đô, hoà bình lập lại ở miền Bắc, ngay sau đó toàn Đảng, toàn dân vừa thực hiện cuộc cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam, vừa thực hiện cuộc Cách mạng XHCN ở miền Bắc.

Quan điểm của Đảng về cơ quan công tố, chính sách hình sự và nền tảng pháp lý

Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến việc xây dựng các cơ quan tư pháp, đây là thời kỳ thể hiện tư tưởng đoàn kết của Bác Hồ, cơ quan tư pháp xác lập có kế thừa, chuyển tư pháp cũ thành tư pháp nhân dân, đặt cơ sở pháp lý cho hoạt động tư pháp, trong đó có cơ quan Công tố. Lịch sử xây dựng và phát triển của cơ quan Công tố gắn liền với quá trình cải cách tư pháp, chịu sự chi phối trực tiếp của quá trình cải cách ấy.

Để tạo cơ sở pháp lý cho cuộc đấu tranh củng cố, gìn giữ chính quyền, chống thù trong, giặc ngoài, sau khi dành độc lập, Hồ Chủ tịch đã ban hành các sắc lệnh nhằm trấn áp các tổ chức phản cách mạng, phần tử chính trị phản động, phá hoại công sản (sắc lệnh số 13, 19, 26…); cho phép sử dụng luật lệ hiện hành của chế độ cũ nếu không ảnh hưởng đến nền độc lập và chính thể cộng hòa. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng ban hành các văn bản quy định về hoạt động của cơ quan Công tố. Vấn đề cải cách tư pháp đã được đề ra trong Sắc lệnh số 85 ngày 22/6/1950 của Chủ tịch Chính phủ về cải cách tư pháp và luật tố tụng, trong đó quy định đổi mới, tăng quyền kháng cáo việc hộ (dân sự), việc hình của cơ quan công tố, biện lý có quyền giám sát Thẩm phán trong thi hành án.

Để thống nhất quan điểm, đường lối xử lý tội phạm, ngày 24/12/1958, Thủ tướng Chính phủ ban hành Thông tư số 556-TTg về tăng cường sự lãnh đạo đối với việc bắt giữ, truy tố và xét xử, chỉ ra nhiệm vụ quan trọng nhất của cơ quan Công an, Công tố, Tòa án lúc này là trấn áp bọn phản cách mạng; chiếu theo pháp luật làm đúng nguyên tắc: người đáng bắt thì bắt, người bắt cũng được, không bắt cũng được thì không bắt…

Về pháp luật của nhà nước đang còn sơ khai: Ngày 09/11/1946 Quốc hội thông qua Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa; tháng 5/1957 Quốc hội thông qua 4 đạo luật (Luật về chế độ báo chí, Luật về quyền tự do hội họp, Luật về quyền lập hội và Luật về đảm bảo quyền tự do thân thể và quyền bất khả xâm phạm đối với nhà ở, đồ vật, thư tín của nhân dân); tháng 12/1958 Quốc hội thông qua Luật cải cách ruộng đất. Ngày 20/1/1953 Chủ tịch nước ban hành sắc lệnh số 133-SL ấn định đường lối truy tố, xét xử của Tòa án quân sự, nghiêm trị tội phạm việt gian, phản động và một số sắc luật khác.

Quy định của pháp luật về tổ chức cơ quan công tố, hoạt động công tố và những dấu ấn hoạt động công tố trong thời kỳ này

Từ 1945 đến trước năm 1958, cơ quan công tố nhà nước tổ chức đa dạng, linh hoạt (gồm: Tòa án quân sự, Tòa án binh, Tòa án đặc biệt có người thực hành quyền công số, chỉ Tòa án tư pháp có Viện công tố), phục vụ nhiệm vụ cách mạng, sự phát triển của ngành công tố chủ yếu gắn với quá trình phát triển của Tòa án (Hệ thống Tòa án gồm có Tòa sơ cấp ở các quận, phủ, huyện, châu; Tòa đệ nhị cấp ở cấp tỉnh và Tòa thượng thẩm ở Bắc, Trung và Nam Kỳ); áp dụng pháp luật lục địa, phương pháp xét xử thẩm vấn. Tòa án và cơ quan công tố nằm trong Bộ Tư pháp, nhưng hoạt động Công tố độc lập với hoạt động xét xử. Các Thẩm phán của Công tố viên (Thẩm phán buộc tội) hợp thành một đoàn thể độc lập do Chưởng lý đứng đầu và thực hiện chức năng công tố theo ủy quyền của Chưởng lý. Theo Sắc lệnh số 13 ngày 24/1/1946 thì Bộ trưởng Bộ Tư pháp có quyền ra lệnh cho Chưởng lý nhưng không được phép làm thay Chưởng lý.

Ngày 24/11/1955 Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 1828, trong đó có quy định mới về quyền trưng cầu giám định pháp y của Công tố ủy viên.

Thực hiện Thông tư số 314 của Chính phủ, ngày 5/12/1957 Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 141 về phân công nội bộ các Tòa án, quy định Tòa án có Chánh án và Công tố ủy viên (ủy viên Chính phủ). Dưới sự lãnh đạo của Bộ Tư pháp, Công tố ủy viên thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn độc lập, có nhiệm vụ điều tra, thẩm cứu các việc hình sự, khởi tố, truy tố, luận tội; thi hành, kiểm sát thi hành các bản án, quyết định của Tòa án về hình sự, dân sự; khởi tố hoặc tham gia tố tụng vụ án dân sự…

Cơ quan Công tố của Việt Nam được thành lập theo Nghị quyết ngày 25/01/1958 của Quốc Hội gọi là Viện Công tố, tổ chức thành một hệ thống cơ quan độc lập, tách khỏi Tòa án. Đồng chí Bùi Lâm, Vụ trưởng Vụ Hành chính Tư pháp Bộ Tư pháp được Quốc hội cử làm Viện trưởng Viện Công tố Trung ương (trước đó, đầu năm 1946 đồng chí Bùi Lâm được Chính phủ bổ nhiệm làm Ủy viên Chính phủ thực hành quyền công tố của Tòa án quân sự Hà Nội, năm 1953 đồng chí làm Công cáo ủy viên Quân khu IV) tại kì họp thứ 8 Quốc hội khóa I.

Ngày 01/7/1959, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 256-TTg quy định về tổ chức và nhiệm vụ của Viện Công tố. Nhiệm vụ chung của Viện công tố là: “Giám sát việc tuân thủ và chấp hành pháp luật của Nhà nước, truy tố theo pháp luật hình sự những kẻ phạm pháp để bảo vệ chế độ dân chủ nhân dân, giữ gìn trật tự an ninh, bảo vệ quyền và lợi ích của công dân, đảm bảo công cuộc kiến thiết và cải tạo XHCN tiến hành thuận lợi”. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chung, Viện công tố có nhiệm vụ cụ thể: Điều tra và truy tố trước Toà án những kẻ phạm pháp về hình sự; giám sát việc chấp hành pháp luật của các Tòa án; giám sát việc chấp hành pháp luật trong thi hành các bản án và trong hoạt động của cơ quan giam giữ cải tạo; giám sát việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực tư pháp. Đồng thời có trách nhiệm áp dụng biện pháp thích đáng để xử lý hành vi vi phạm pháp luật. Hệ thống Viện công tố có Viện công tố Trung ương, Viện công tố địa phương và Viện công tố quân sự các cấp.

Viện công tố các cấp tổ chức, hoạt động theo quan hệ “song trùng trực thuộc” vừa chịu sự lãnh đạo của cấp trên vừa chịu sự lãnh đạo của Chính phủ hoặc UBND cùng cấp.

Hệ thống cơ quan công tố theo Thông tư số 601-TCCB ngày 6/8/1959 của Viện trưởng Viện công tố trung ương gồm có: Viện Công tố Trung ương (trực thuộc Hội đồng Chính phủ); Viện Công tố phúc thẩm Hà Nội Hà Nội, Hải Phòng, Vinh, từ 27/8/1959 có thêm Viện Công tố khu tự trị Việt Bắc và Viện công tố khu tự trị Thái – Mèo (Nghị định số 321-TTg ngày 27/8/1959); Viện Công tố tỉnh, thành phố khu đặc biệt Hồng Quảng, Vĩnh Linh; Công tố huyện, thị trấn lớn và cấp tương đương.

Việc xử lý tội phạm của cơ quan công tố quán triệt phương châm: trấn áp địch ngay từ khi hoạt động mới nhen nhóm, nghiêm trị bọn cầm đầu xúi giục, đối với người lao động vì hoàn cảnh mà phạm pháp thì xử lý có tình có lý, nặng về giáo dục cải tạo.

Thời kỳ này hoạt động công tố tham gia đấu tranh chống tội phạm trên các mặt quân sự, chính trị, kinh tế… Công tố viên đã thể hiện vai trò buộc tội trong các phiên tòa hình sự, điển hình là vụ Ôn Như Hầu (Hà Nội), vụ Lê Thành Công (Tuyên Quang), vụ Trần Dụ Châu (Bộ Quốc phòng), vụ phỉ Đồng Văn…; tội phạm trong thời kỳ cải cách ruộng đất, chủ động xác minh, sửa sai hàng chục ngàn vụ án; phối hợp với Công an, Tòa án xử lý nhiều vụ gây rối do bọn phản động, gián điệp biệt kích, địa chủ gây ra, các vụ án vi phạm chính sách kinh tế, tài chính… Bên cạnh đó, Viện công tố còn trực tiếp điều tra những vụ án không phức tạp mà hành động phạm pháp đã công khai bộc lộ; khởi tố và tham gia tố tụng trong những vụ án dân sự quan trọng; tổ chức kiểm tra (định kỳ, bất thường) các trại giam và trại cải tạo; công tác kiểm sát còn phục vụ cuộc vận động hợp tác hóa nông nghiệp; bảo vệ tài sản của hợp tác xã, giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân./.

Theo Vksndtc.gov.vn

Gấp rút biên soạn cuốn sách Lịch sử Viện kiểm sát nhân dân Việt Nam 1960-2020
Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh trên chặng đường 60 năm xây dựng ngành Kiểm sát nhân dân
Cố Viện trưởng Trần Hữu Dực – tấm gương sáng cho các thế hệ cán bộ ngành Kiểm sát nhân dân
Kế hoạch tổ chức Hội diễn văn nghệ, Giải thể thao ngành Kiểm sát nhân dân
Thể lệ cuộc thi tìm hiểu truyền thống 60 năm ngành Kiểm sát nhân dân
Đồng chí Hoàng Quốc Việt – Người xây móng, đặt nền cho ngành Kiểm sát từ ngày đầu mới thành lập