Giới hạn xét xử vụ án hình sự theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015

Giới hạn xét xử vụ án hình sự là phạm vi những bị cáo, những hành vi mà Hội đồng xét xử được xét xử tại phiên tòa. Bộ luật tố tụng hình sự quy định về giới hạn xét xử nhằm đảm bảo tính xác định và định hướng cho hoạt động tố tụng của các chủ thể tiến hành tố tụng, các chủ thể tham gia tố tụng ở giai đoạn xét xử, đặc biệt là xác định giới hạn cho Toà án trong việc thực hiện quyền hạn của mình trong quá trình giải quyết vụ án.

Tại Điều 298 Bộ luật tố tụng năm 2015 quy định:

“1. Tòa án xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà Viện kiểm sát truy tố và Tòa án đã quyết định đưa vụ án ra xét xử.

2. Tòa án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố.

3. Trường hợp xét thấy cần xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh Viện kiểm sát truy tố thì Tòa án trả hồ sơ để Viện kiểm sát truy tố lại và thông báo rõ lý do cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa biết; nếu Viện kiểm sát vẫn giữ tội danh đã truy tố thì Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn đó.”

Quy định trên cho thấy Tòa án không thể xét xử bất kì người nào, bất kì hành vi nào theo nhận định chủ quan của mình mà Tòa án chỉ được xét xử đối với những người và những hành vi mà Viện kiểm sát đã truy tố trong bản cáo trạng và trong quyết định đưa vụ án ra xét xử do Thẩm phán được phân công phụ trách vụ án ký ban hành.

Theo quy định này thì Tòa án không được xét xử người và những hành vi mà Viện kiểm sát không truy tố. Nếu qua xét xử Tòa án thấy cần thay đổi tội danh thì Hội đồng xét xử có thể thay đổi tội danh nhẹ hơn hoặc thay đổi tội danh có khung hình phạt tương đương với tội phạm đã bị truy tố.

Trong trường hợp Tòa án phát hiện bị cáo phạm tội danh nặng hơn thì Toà án ra quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung và đề nghị Viện kiểm sát thay đổi tội danh đã truy tố. Nếu Viện kiểm sát không đồng ý thay đổi tội danh và vẫn giữ nguyên quyết định truy tố thì Tòa án vẫn có quyền xét xử theo tội danh nặng hơn tội danh mà Viện kiểm sát đã truy tố.

Như vậy, so với Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 thì Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã mở rộng hơn về giới hạn xét xử của Tòa án, nghĩa là Tòa án có thể xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh Viện kiểm sát đã truy tố nhưng với điều kiện Tòa án phải trả hồ sơ để Viện kiểm sát truy tố lại, nếu Viện kiểm sát vẫn giữ tội danh đã truy tố thì Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh Viện kiểm sát truy tố. Trong trường hợp không đồng ý với tội danh nặng hơn mà Tòa án đã xét xử thì Viện kiểm sát có quyền kháng nghị theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.       

Phạm Thị Thu Hà – Phòng 7, VKS tỉnh

Xét xử lưu động vụ chồng giết vợ do nghi ngờ vợ ngoại tình
VKSND tỉnh Yên Bái tổ chức học tập quán triệt, triển khai thực hiện các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7, khoá XII
Các cơ quan, đơn vị trong tỉnh Yên Bái chúc mừng nhân dịp Kỷ niệm 58 năm ngày thành lập ngành Kiểm sát nhân dân
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái thăm hỏi cán bộ là thương binh nhân ngày thương binh liệt sỹ
Giao lưu bóng chuyền hơi Kỷ niệm 58 năm ngày thành lập ngành Kiểm sát nhân dân (26/7/1960-26/7/2018)
Hộp thư bạn đọc và Cộng tác viên tháng 6 năm 2018
Tìm hiểu điều kiện tha tù trước thời hạn có điều kiện và điều kiện rút ngắn thời gian thử thách quy định tại điều 66 BLHS năm 2015
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị sơ kết công tác kiểm sát 6 tháng đầu năm 2018
VKSND tỉnh Yên Bái tham gia vòng thi Chung kết Hội thi tìm hiểu, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng
Lễ công bố và trao các quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại Kiểm sát viên