Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: “Hoàn thiện hệ thống thông tin về bão, lũ để tránh thiệt hại cho người dân”

(BVPL) – Trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội ngày 21/11 sau vụ lũ lụt tại miền Trung vừa qua gây thiệt hại về người và tài sản, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải cho rằng, người dân cần nâng cao ý thức trong công tác phòng chống lũ lụt tốt hơn nữa.

– Thưa Phó Thủ tướng, xin ông cho biết đánh giá tổng quát đợt kiểm tra tình hình mưa lũ ở miền Trung sau cơn bão số 15 vừa qua?
 Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải trả lời phóng viên báo chí.

 Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải trả lời phóng viên báo chí.

Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải trả lời phóng viên báo chí.

– Từ ngày 13-11, Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia đã cảnh báo mưa to đến rất to, ảnh hưởng đến các tỉnh miền Trung từ Huế đến Phú Yên. Mưa lớn từ 400 – 600 ly và có những nơi cực đoan như ở tỉnh Quảng Ngãi, lượng mưa đo được lên đến 900 ly. Đặc thù đợt bão này là mưa trên diện rộng và cường độ mưa tập trung, nên một số con sông đã vượt mức lũ lịch sử (từ 1999 đến 2009). Mưa lũ đối với một số địa phương, đặc biệt là các ngày 15, 16-11 vào thời gian triều cường nên nước không thoát được, làm mức ngập cao hơn dẫn đến một số nơi như Bình Định, Quảng Ngãi ngập sâu từ 6-8 mét.

Do vậy, các phương tiện cứu hộ, cứu nạn và các lực lượng quân đội như Quân khu 5 rất vất vả. Thực hiện được việc sơ tán dân và bảo đảm an toàn cho dân trong cơn lũ vừa qua là nỗ lực lớn của các địa phương và của nhân dân, đặc biệt là quân đội như Quân khu 5, Quân đoàn 3 đã dàn quân để giúp dân chống lũ, hạn chế thiệt hại.

Tuy nhiên, thiệt hại do lũ cũng rất lớn và cho đến nay đã có 43 người chết, 4 người mất tích, gần 70 người bị thương và trên 400 căn nhà bị sập, hàng trăm nghìn căn nhà bị ngập trong nước, gần 400 nghìn gia cầm và trên 30 nghìn gia súc bị chết. Ngoài ra, diện tích hoa màu bị ngập rất lớn.

– Thưa Phó Thủ tướng, vậy nguyên nhân thiệt hại tại miền Trung lớn như vậy do đâu?

– Khi kiểm tra, tôi thấy các địa phương cũng như Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều nắm vững về lượng xả lũ và điều hành của các hồ chứa. Theo tôi biết, đến nay chưa có báo cáo nào nói rằng có hồ nào đó xả lũ sai quy trình và các địa phương có hồ chứa đều khẳng định như vậy.

Các hồ chứa xả lũ đúng quy trình và có tham gia cắt được lũ trong thời gian vừa qua là tốt. Ở đây có vai trò tích cực của các địa phưong. Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão ở các địa phương thường xuyên phải nằm tại địa bàn. Nếu quản lý hồ chứa không khoa học, để lũ quá một tý là hồ vỡ. Nhưng điều hành theo khía cạnh cực đoan khác, sẽ không có nước dùng. Do vậy, đây là vấn đề cần phải có khoa học và cần thiết phải hoàn chỉnh dần.

Qua cơn bão số 15 cho thấy, miền Trung có đặc thù địa hình dốc, ngắn, nên mưa lũ xuống tạo dòng nước chảy rất xiết và nhanh. Đặc thù là ngập nhanh và rút nhanh. Chính vì thế, các hồ chứa không thể thiết kế được diện tích phòng lũ lớn như các hồ ở miền Bắc và miền Nam, chưa nói các hồ chứa này lại kết hợp với thủy điện, bắt buộc phải tính toán theo hiệu quả kinh tế, nên dung tích phòng lũ không lớn.

Chính phủ yêu cầu các Bộ: Công thương và Nông nghiệp – Phát triển nông thôn cùng các địa phương phải theo dõi chặt chẽ quy trình xả lũ, nếu các hồ không thực hiện đúng quy trình xả lũ, chủ quan, không phân công trực khi mưa lũ và không có những mệnh lệnh chính xác thì có thể xảy ra tai họa khôn lường.

– Mặc dù người dân đã được thông báo về lũ lụt nhưng số người chết vẫn nhiều, nguyên nhân do đâu, thưa ông?

– Khi phân tích các trường hợp chết trong mưa lũ, những vùng ngập sâu, lũ nặng lại không thiệt hại về người nhiều bằng những vùng ngập ít hơn, lũ nhẹ hơn. Người bị chết sau lũ lại nhiều hơn vì khi lũ xuống, người dân đi làm đồng, nhặt cá, tôm, giúp đỡ nhau,… bị nước chảy xiết cuốn đi. Có nhiều trường hợp bị chết rất đáng tiếc. Từ đó phải tăng cường tuyên truyền chống bão lũ và tăng cường công tác cộng đồng, đầu tư vào các hệ thống cơ sở hạ tầng. Vì rất nhiều đường cấp huyện, quốc lộ chưa bảo đảm yêu cầu chống lũ. Phải đầu tư những con đường cứu nạn, cứu hộ chống bão lũ. Cần điều chỉnh việc xây dựng cơ sở hạ tầng, tránh tạo thành vật cản dòng lũ, vì như vậy dòng lũ sẽ tìm đường mới để đi  và đánh vào các vùng dân cư đang ổn định, trước đây chưa từng bị lũ. Tại Quảng Ngãi và Bình Định đã xảy ra vấn đề này. Chúng ta đang ở thời kỳ biến đổi khí hậu, nên những tính toán thoát lũ trước đây không còn phù hợp nữa, cần thay đổi. Phải đánh giá đúng tình hình mưa lũ để sơ tán dân cho phù hợp.

– Qua đợt lũ lụt vừa qua tại miền Trung gây thiệt hại lớn về người và tài sản, theo Phó Thủ tướng, cần rút kinh nghiệm gì về việc phòng, chống lũ lụt?

– Một là, rút kinh nghiệm ở hệ thống quan trắc. Để điều tiết chính xác hồ chứa và phát huy hết năng lực chống lũ của nó, thì số liệu dự báo phải rất chính xác và chỉ được sai số thấp nhất. Trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay, Chính phủ đã chỉ đạo đầu tư tăng thêm những trạm quan trắc. Sau vụ mưa lũ ở huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên (năm 2009), mới thấy hệ thống quan trắc không phát huy hết tác dụng. Khi đó, dự báo mưa rải rác không lớn, nhưng thực tế ở huyện miền núi Đồng Xuân nước ngập lên tận nóc nhà. Chứng tỏ mưa cục bộ lúc đó cỡ 1.000 ly, chứ không thấp như ở số liệu quan trắc. Chính vì vậy, tiếp tục đầu tư hệ thống quan trắc là điều kiện quan trọng, để đảm bảo phát huy hết năng lực chống lũ của các hồ chứa.

Qua kiểm tra ở các địa phương đều có sơ đồ quá trình lũ của từng hồ, từ lúc lũ về cho đến mức nước ra sao và xả lũ như thế nào… đều được vẽ biểu đồ quá trình lũ và trên cơ sở đó đánh giá được hiệu quả của việc cắt lũ. Các hồ mặc dù vận hành đúng quy trình, nhưng hiệu quả cắt lũ chưa cao. Do đặc điểm địa hình dung tích cắt lũ không lớn, nên không cắt lũ nhiều được. Khi cắt lũ thì quan trọng nhất là dự báo chính xác đỉnh lũ về lúc nào vì quan trọng phải cắt lũ đúng đỉnh, nếu không hiệu quả sẽ thấp, mặc dù không làm trầm trọng thêm hạ du, nhưng không phát huy được hết năng lực lũ.

Hai là, tiếp tục theo dõi việc thực hiện các hồ chứa để thấy những bất hợp lý và điều chỉnh. Vì không có quy trình nào được coi là bất di bất dịch và phải xây dựng trên cơ sở các tính toán về kỹ thuật và có thể áp dụng thực tiễn chưa phản ánh hết được, cần tính toán lại.

Ba là, vấn đề thông tin mưa lũ rất quan trọng. Tôi đi kiểm tra xuống tận xã và biết người dân được thông báo đã đi sơ tán bởi khi lũ về chỉ một lúc là nước dâng trên cả đầu người. Người dân sau khi có thông báo đã tự giác sơ tán. Ở miền Trung, người dân tự giác tránh lũ hơn và họ sơ tán ngay. Tuy vậy, vẫn có nơi người dân nói không biết có lũ.

Tôi đã giao cho các Bộ chức năng và các địa phương kiểm tra xem thông tin có vấn đề gì không? Hiện nay, Chính phủ giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải kiểm soát được luồng thông tin từ lãnh đạo, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và từ các hồ đập. Phải hoàn thiện hệ thống thông tin về mưa bão, lũ để tránh thiệt hại cho người dân.

– Xin cảm ơn Phó Thủ tướng!

Nguồn: Báo bảo vệ pháp luật

Việt Nam trúng cử Hội đồng Nhân quyền với số phiếu cao nhất