Hiểu và áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” như thế nào là đúng?

Ngày 24/4/2018, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao ban hành Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 66 và Điều 106 của Bộ luật hình sự về tha tù trước thời hạn có điều kiện (Nghị quyết số 01/2018), tuy nhiên, việc nhận thức và áp dụng tình tiết “Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” vẫn có sự khác nhau, chủ yếu là nhận thức như thế nào là “Phạm tội lần đầu”?

Chúng ta cùng xem xét một vụ án sau:

Ngày 19/5/2015, Tòa án nhân dân huyện A áp dụng Khoản 1 Điều 202/BLHS năm 1999 tuyên bố Hoàng Văn B phạm tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông thông đường bộ” và xử phạt 06 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 12 tháng kể từ ngày 19/5/2015. Đến ngày 24/9/2019, Hoàng Văn B dùng dao chém anh Nguyễn Văn C gây thương tích với tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên là 03%. Khi xem xét, định tội danh đối với Hoàng Văn B đã có những những quan điểm giải quyết khác nhau như sau:

Quan điểm thứ nhất thống nhất với giải đáp tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” quy định tại Điểm h Khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999 tại Công văn số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017 về giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ (Công văn giải đáp số 01/2017), nghĩa là “Phạm tội lần đầu là từ trước đến nay chưa phạm tội lần nào. Nếu trước đó đã phạm tội và bị kết án, nhưng đã được xóa án tích hoặc chưa bị kết án, nhưng đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa bị kết án, chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự nay bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong cùng lần phạm tội sau, thì không được coi là phạm tội lần đầu”. Do đó, B không thuộc trường hợp “phạm tội lần đầu” nên không được hưởng tình tiết “Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” quy định tại Điểm i Khoản 1 Điều 51/BLHS năm 2015.

Quan điểm thứ hai cho rằng “phạm tội lần đầu” phải được hiểu như hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2018, tức là Được coi là phạm tội lần đầu và có thể xem xét nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: Trước đó chưa phạm tội lần nào; Trước đó đã thực hiện hành vi phạm tội nhưng được miễn trách nhiệm hình sự; Trước đó đã thực hiện hành vi phạm tội nhưng được áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng; Trước đó đã bị kết án nhưng thuộc trường hợp được coi là không có án tích. Do đó, B thuộc trường hợp “phạm tội lần đầu” và được hưởng tình tiết “Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” quy định tại Điểm i Khoản 1 Điều 51/BLHS năm 2015.

Quan điểm thứ ba cho rằng Nghị quyết số 01/2018 có phạm vi điều chỉnh là tha tù trước thời hạn có điều kiện, nên không thể nhận thức và áp dụng cụm từ “phạm tội lần đầu” để điều chỉnh tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại Điểm i Khoản 1 Điều 51/BLHS 2015.

Tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai, bởi các lẽ sau:

Thứ nhất, Công văn giải đáp số 01/2017 là giải đáp tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại Điểm h Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999. Do trong  Bộ luật hình sự này chưa có quy định về các trường hợp không được coi là có án tích nên Công văn giải đáp số 01 không xem xét các trường hợp không được coi là có án tích thuộc trường hợp “phạm tội lần đầu” là phù hợp.

Thứ hai, Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao là văn bản quy phạm pháp luật và có hiệu lực cao hơn Công văn của Tòa án nhân dân tối cao, nên từ khi Nghị quyết 01/2018 có hiệu lực thì các hướng dẫn tại Công văn giải đáp số 01/2017 trái với Nghị quyết này phải được bãi bỏ.

Thứ ba, tuy Nghị quyết số 01/2018 có phạm vi điều chỉnh là tha tù trước thời hạn có điều kiện nhưng cụm từ “phạm tội lần đầu” quy định trong các Điều luật của Bộ luật hình sự có nội hàm và tính chất giống nhau; không thể nhận thức rằng bị can (bị cáo) đặt trong trường hợp này không phải là “phạm tội lần đầu”, còn người chấp hành án phạt tù cũng đặt trong trường hợp này lại được xem là “phạm tội lần đầu”. Như vậy, là không đảm bảo nguyên tắc “mọi người đều bình đẳng trước pháp luật” quy định tại Điều 16 Hiến pháp 2013

Mặt khác, trong thực tiễn công tác điều tra, truy tố, xét xử thì việc áp dụng các hướng dẫn của Thông tư liên tịch, Nghị quyết không thuộc phạm vi điều chỉnh vào các quy định tương tự trong Bộ luật hình sự cũng thường được thực hiện. Điển hình như hướng dẫn tình tiết định khung “Gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng” trong Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25/12/2001 về việc hướng dẫn áp đụng một số quy định tại Chương XIV “các tội xâm phạm sở hữu” của Bộ luật hình sự năm 1999 được sử dụng để làm tình tiết định tội, tình tiết định khung của một số tội danh khác không phải là các tội xâm phạm sở hữu.

Trên đây là nội dung trao đổi về áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”, rất mong các đồng nghiệp và độc giả đóng góp ý kiến để việc nhận thức và áp dụng tình tiết này được thống nhất./.

Theo Kiemsat.vn

Một số lưu ý về việc áp dụng văn bản pháp luật trong giải quyết các vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất và nhà ở
Một số lưu ý về việc áp dụng văn bản pháp luật trong giải quyết các vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất và nhà ở
Riêng tư: Thông báo rút kinh nghiệm giải quyết vụ án hình sự
Riêng tư: Thông báo rút kinh nghiệm vụ án “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản”
Riêng tư: Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành kiến nghị trong hoạt động xét xử hình sự
Riêng tư: Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành thông báo rút kinh nghiệm trong hoạt động kiểm sát điểu tra, kiểm sát xét xử hình sự